Kẻ không biết biết ơn thì không đáng được người khác giúp đỡ.
Biết ơn là cội nguồn của hạnh phúc, người sống biết ơn là người đáng kính, đáng nể. Con người sống biết ơn, cuộc đời sẽ càng đi càng thuận lợi.
Nhân vật Lưu lão lão trong “Hồng lâu mộng” là một người sống biết ơn như thế.
Có người hỏi tôi rằng: “Trong ‘Hồng lâu mộng’ tôi thích nhân vật nào nhất?”
Tôi nói: “Thích nhất là Lưu lão lão.”
Bởi vì tuy Lưu lão lão chỉ là một bà lão xuất thân thấp kém nhưng nhân cách, phẩm chất của bà còn cao quý hơn bất cứ một thiếu gia, tiểu thư nào của Giả phủ.
Tào Tuyết Cần không hề keo kiệt giấy mực để miêu tả nhân vật này cũng chính bởi vì như vậy.
Ban đầu, vì để có thể sống sót, Lưu lão lão đã đến Giả phủ xin giúp đỡ, Vương Hy Phượng coi Lưu lão lão như người ở, tùy ý ném cho 20 lượng bạc.
Sau đó, đến mùa thu, Lưu lão đem rau dưa, lương thực mình trồng được mang tặng đến Giả phủ, để báo đáp ơn đức của Giả phủ.
Sau này, khi Giả phủ bị khám xét, nhà họ Giả người thì bị tống vào ngục, người thì bị xem như đồ vật để mua bán. Người ngoài đều xem người họ Giả như ôn thần mà tránh, chỉ có Lưu lão lão khi nghe tin Giả phủ bị khám xét, Giả mẫu qua đời, đã ngồi ngay trên ruộng mà khóc thương, thương tâm tuyệt vọng.
Ngay trong đêm vượt đường xa vào kinh thành đến ngục thất thăm Vương Hy Phượng, khi thấy Vương Hy Phượng gầy yếu, bà ôm mặt khóc, Vương Hy Phượng thấy vậy thì cảm động rơi nước mắt, trước lúc lâm chung nhờ Lưu lão lão tìm giúp con gái mình là Giả Xảo Thư.
Nhân vật Lưu lão lão trong “Hồng lâu mộng”.
Sau khi trở về, Lưu lão lão không ngại khó ngại khổ, đi từng nhà từng hộ, hỏi thăm khắp nơi tin tức về Giả Xảo Thư. Sau khi biết Giả Xảo Thư đã bị bán vào chốn lầu xanh, dù bản thân nghèo khó, nhưng Lưu lão lão không hề ngần ngại bán đi toàn bộ tài sản của mình, bỏ tiền của chuộc Giả Xảo Thư từ thanh lâu về, chính là để báo đáp ân đức giúp đỡ mình 20 lượng bạc khi xưa của Vương Hy Phượng.
Đoạn cảnh Giả Xảo Thư gặp Lưu lão lão đã khiến người ta cảm động đến rơi nước mắt, Lưu lão lão quả là một người trọng tình trọng nghĩa.
Lưu lão lão dưới ngòi bút của Tào Tuyết Cần là một bà lão thật thà, chất phác, lương thiện, chịu ơn một phần báo đáp gấp bội.
Người phụ nữ ấy tuy xuất thân không cao quý nhưng phẩm chất nhân cách của bà lại rất cao đẹp, bà chính là hình mẫu đại diện cho phẩm chất tốt đẹp, có ơn tất báo, lương thiện, thành thật mà con người cần phải có.
Lời bình
Trong xã hội hiện đại ngày nay đã thiếu đi rất nhiều người có ơn tất báo như Lưu lão lão. Không ít người chỉ biết đòi hỏi, yêu cầu, tham lam như cái động không đáy và chẳng bao giờ biết phải báo đáp lại, cho dù bạn cống hiến nhiều bao nhiêu thì họ vẫn sẽ nghĩ bạn đang nợ họ.
Bạn giúp họ 99 việc nhưng chỉ có 1 việc bạn làm không tốt, thì yên tâm đi, bạn đã trở thành kẻ thù của họ rồi đó, bởi vì họ xem những gì bạn đã làm cho họ như điều đương nhiên bạn phải làm vậy. Họ chỉ nhớ bạn có 1 việc không làm cho họ, nhưng lại chẳng nhớ gì đến 99 việc bạn đã từng giúp đỡ.
Người xưa có câu “bát gạo nuôi ân, đấu gạo nuôi thù” chính là như vậy, song loại người như thế lại rất nhiều.
Vài ngày trước, người viết đọc được trên mạng xã hội một câu hỏi rất “hot” là: “Sinh ra ở thành phố hạng 4, cha mẹ lại không giúp gì được cho sự nghiệp của bạn, thì bạn có nên biết ơn họ nữa không?”
Bên dưới là một loạt comment chửi mắng người đó.
Có người tức giận comment rằng: “Đem cậu nuôi từ khi còn là con nòng nọc đến giờ to như con heo, cậu lại còn muốn gì nữa? Không giúp đỡ cho sự nghiệp của câu là cậu không cần biết ơn? Thế cậu khác gì con sói mắt trắng, vong ân phụ nghĩa.”
Shakespeare từng nói: “Sự quên ơn của con cái, giống như là bạn dùng tay gắp thức ăn cho chúng, nhưng chúng lại dùng chính cái miệng đó cắn tay của bạn.”
Bạn nghĩ xem có đáng sợ hay không?
Kẻ không biết biết ơn thì không đáng được người khác giúp đỡ, bởi vì kẻ không biết biết ơn thì sẽ chẳng thể có được tương lai. Một người mà ngay cả người từng giúp đỡ mình còn không biết cảm kích thì đừng mong kẻ đó có thể giúp đỡ người khác, giúp ích cho đời, cho xã hội.
Đôi khi những người tốt giúp đỡ mọi người, cũng không vì mong nhận được sự đền đáp, nhưng họ không mong muốn nhận được đền đáp không có nghĩa là bạn không cần phải biết ơn họ, báo đáp họ.
Người ta không yêu cầu báo đáp, vì đó là sự cao thượng của họ, còn bạn không biết nhớ ơn báo đáp lại còn lấy oán báo ơn thì đó là sự xấu xa của bạn.
Con người sống ở đời, có thể không xuất sắc, có thể không siêu việt, nhưng nhất định không thể đánh mất lương tri, sự cao đẹp trong nhân cách và lương tri có thể bù đắp cho những thất bại trong sự nghiệp. Nhưng thành công trong sự nghiệp lại vĩnh viễn không thể bù đắp nổi sự xấu xa trong lương tâm.